Nội dung bài viết
Nâng ngực là gì?
Nâng ngực là một quy trình phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến, được nhiều chị em lựa chọn để cải thiện kích cỡ vòng một thêm quyến rũ hoặc đơn giản là làm cho bộ ngực cân đối hơn.
Có 2 phương pháp phổ biến nhất thường gặp trong nâng ngực là: nâng ngực bằng mỡ tự thân (cấy chuyển mỡ từ vùng khác trên cơ thể vào ngực) và nâng ngực bằng túi độn (phẫu thuật đặt túi độn vào ngực).
Hầu hết chị em tìm đến nâng ngực để hô biến “đôi gò bồng đảo” lớn hơn kích thước hiện tại hoặc muốn cải thiện bộ ngực teo ngót vì lý do nào đó, ví dụ như:
- giảm cân (đôi khi là do kết quả của phẫu thuật giảm cân)
- mang thai
- cho con bú
Ngoài ra, một số chị em có bộ ngực phát triển không bình thường, hoặc có ngực nhỏ hông to, muốn sở hữu vóc dáng đồng hồ cát thì đều quan tâm tới phẫu thuật nâng ngực.
Điều kiện quan trọng trước khi làm phẫu thuật là bộ ngực của bạn đã phát triển hoàn thiện.
Nâng ngực như thế nào?
Trong nâng ngực, túi độn hoặc mỡ tự thân được đưa vào dưới mỗi bầu ngực, giúp tăng kích thước ngực của bạn khoảng một cup hoặc hơn.
Bạn có thể chọn giữa túi nâng ngực dáng giọt nước hoặc dáng tròn, túi gel silicon hoặc túi nước muối.
Mặc dù có một số tranh cãi xung quanh việc sử dụng túi độn silicon, nhưng chúng vẫn được rất nhiều người chọn lựa để phẫu thuật nâng ngực.
Dễ dàng chọn lựa túi nâng ngực phù hợp với bạn nhờ bài viết “Túi độn nâng ngực: những điều cần biết” trên Suckhoe123.vn – chuyên trang Tư vấn Thẩm mỹ và Sức khỏe.
Quy trình nâng ngực
Phẫu thuật nâng ngực sẽ được thực hiện khi gây mê toàn thân để bạn không cảm nhận bất kỳ đau đớn nào. Hãy làm theo các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật để chuẩn bị trong vòng 24 giờ trước khi vào phòng mổ.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt túi nâng ngực thông qua một trong ba loại đường mổ:
- đường chân ngực (rạch mổ ở nếp gấp dưới vú)
- đường nách
- đường mổ quanh quầng vú (ở mép phần mô bao xung quanh núm vú)
Tiếp theo, bác sĩ sẽ tạo khoang đặt túi độn bằng cách tách mô vú khỏi cơ và mô ngực. Túi độn sẽ được đặt bên trong các khoang này, ở vị trí chính giữa bên trong bầu ngực.
Nếu chọn túi nước muối, bác sĩ sẽ đưa vỏ túi vào đúng vị trí trong khoang ngực, sau đó bơm đầy dung dịch nước muối vô trùng vào đó. Còn đối với túi gel silicon, silicon đã được bơm đầy trong túi từ trước để sẵn sàng sử dụng.
Cuối cùng, bác sĩ khâu kín vết mổ và băng cố định bằng băng dán, keo phẫu thuật. Bạn sẽ được theo dõi trong quá trình hồi phục, được ra về sau khi thuốc gây mê hết tác dụng.
Những rủi ro khi thực hiện nâng ngực
Một rủi ro phổ biến sau phẫu thuật nâng ngực là bạn sẽ phải tái phẫu thuật để chỉnh sửa bất kỳ biến chứng nào có thể phát sinh. Sau một thời gian, một số chị em muốn thay đổi kích cỡ túi độn hoặc muốn treo sa trễ do da của họ bị chùng giãn theo thời gian.
Rủi ro và tác dụng phụ khác thường gặp
- chảy máu và bầm tím
- đau ở ngực
- nhiễm trùng tại vùng phẫu thuật hoặc xung quanh túi độn
- co thắt bao xơ, hoặc hình thành mô sẹo bên trong vú (điều này có thể khiến túi độn bị biến dạng, bị xê dịch, gây đau đớn hoặc khiến túi độn bị lộ rõ hơn)
- vỡ hoặc rò rỉ túi độn
- thay đổi cảm giác ở vú (thường chỉ là tình trạng tạm thời sau khi phẫu thuật)
- phần da phủ bên trên túi độn bị “gợn sóng”, thường ở vùng bên dưới vú (biến dạng gò ngực kép)
- di lệch túi độn
- tụ dịch quanh túi độn
- vết mổ khó lành
- tiết dịch
- sẹo to, lộ rõ
- đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
Và giống như bất kỳ ca phẫu thuật nào khác, việc gây mê toàn thân cũng mang đến những rủi ro, bao gồm cả tử vong trong quá trình phẫu thuật.
Gọi bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức nếu bạn
- sốt
- mẩn đỏ trong hoặc xung quanh vú, đặc biệt là nếu xuất hiện các vệt đỏ trên da
- cảm thấy ấm nóng xung quanh vết mổ
Chúng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Sau khi đã hồi phục, nếu bạn bị đau vú, nách hoặc kích thước và hình dạng vú có sự thay đổi thì bạn đều phải báo cho bác sĩ phẫu thuật để được khám. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy túi độn đã bị vỡ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định ngay lập tức là túi đã vỡ, bởi vì túi độn có xu hướng rò rỉ từ từ.
Biến chứng hiếm gặp
Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm tức ngực và khó thở, đây là các trường hợp cấp cứu y tế mà bệnh nhân có thể cần phải nhập viện.
Ngoài ra bạn còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư anaplastic large cell lymphoma (ALCL – tạm dịch: u lympho tế bào lớn loại thoái sản). Đây là một dạng ung thư tế bào máu hiếm gặp, mới được công nhận, có liên quan đến sự hiện diện lâu dài của các túi độn ngực, thường là các các túi độn silicon vỏ nhám.
Hiện đã có 414 trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang theo dõi. Dựa trên những báo cáo này, ước tính nguy cơ mắc ALCL liên quan đến túi độn ngực là từ 1: 30.000 đến 1: 3800 bệnh nhân. Cho đến nay, đã có 17 bệnh nhân tử vong được cho là có liên hệ với bệnh ALCL liên quan đến túi độn ngực.
Phần lớn những bệnh nhân này được chẩn đoán sau khi họ bị sưng, hoặc chảy dịch ở vú xung quanh túi độn, trong vòng 7–8 năm sau khi đặt túi độn. Với ALCL, ung thư thường nằm trong mô xung quanh túi, mặc dù ở một số bệnh nhân, ung thư đã lan ra khắp cơ thể.
Bệnh nhân đã nâng ngực nên theo dõi vú của mình và đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi hay xuất hiện thêm hiện tượng sưng, tăng kích cỡ và đau.
Quá trình hồi phục sau khi nâng ngực
Sau khi nâng ngực, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn đeo băng nịt ngực hoặc áo ngực thể thao để nâng đỡ vòng một trong quá trình hồi phục. Bác sĩ có thể cũng sẽ kê thuốc giảm đau.
Bác sĩ cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị về thời điểm quay trở lại làm việc bình thường và thực hiện các hoạt động giải trí. Hầu hết mọi người có thể trở lại làm việc sau vài ngày, nhưng bạn cũng có thể phải nghỉ ngơi tận một tuần. Nếu công việc của bạn lao động nặng nhọc, thì có thể bạn sẽ cần nghỉ làm lâu hơn để hồi phục.
Khi nói đến tập thể dục và hoạt động thể chất, bạn sẽ phải tránh tất cả mọi hoạt động cần dùng sức trong tối thiểu hai tuần. Sau một ca phẫu thuật xâm lấn, bạn cần tránh làm tăng huyết áp hoặc nhịp tim của mình. Bên cạnh đó, cử động quá nhiều sẽ khiến ngực bạn bị đau.
Có thể bạn sẽ cần tháo chỉ khi tái khám với bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật có thể chọn đặt ống dẫn lưu gần vị trí phẫu thuật. Nếu bạn có dùng ống dẫn lưu, thì cũng cần gặp bác sĩ để rút ống.
Kết quả sẽ xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật. Sưng và đau có thể gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả cuối cùng tận cho tới khi bạn bắt đầu hồi phục.
Mặc dù kết quả nâng ngực sẽ kéo dài, nhưng không gì đảm bảo túi độn ngực sẽ tồn tại mãi mãi. Bạn có thể cần phẫu thuật lần nữa để thay thế túi độn trong tương lai. Một số người sau này cũng chọn phẫu thuật tháo bỏ túi độn.
Sau phẫu thuật, hãy duy trì một lối sống lành mạnh. Nếu có hút thuốc lá, hãy cố gắng cai thuốc. Hút thuốc lá làm chậm quá trình lành thương và trì hoãn quá trình hồi phục của bạn.
Chuẩn bị trước khi nâng ngực
Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật của mình, bạn cần phải làm theo các hướng dẫn trước phẫu thuật mà bác sĩ phẫu thuật đưa ra. Bạn có thể sẽ được khuyên không nên ăn hoặc uống bắt đầu từ nửa đêm vào đêm trước khi làm phẫu thuật.
Trong vài tuần trước khi nâng ngực, bác sĩ phẫu thuật sẽ khuyên bạn ngừng hút thuốc. Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ gặp biến chứng và hạn chế lưu lượng máu trong cơ thể. Điều này có thể kéo dài thời gian phục hồi sau phẫu thuật. Cũng có khả năng hút thuốc sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của bạn, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Tìm kiếm bác sĩ phẫu thuật
Nhớ tìm hiểu kỹ về những bác sĩ mà bạn cân nhắc chọn. Đọc các nhận xét của bệnh nhân của họ, và xem ảnh trước và sau phẫu thuật của các bệnh nhân trước đó.
Ngoài các bài đánh giá và bằng cấp của bác sĩ, hãy đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với bác sĩ phẫu thuật của mình và tin tưởng vào khả năng của họ. Lên lịch tư vấn, gặp trực tiếp với bác sĩ để chắc chắn rằng bạn thực sự muốn làm việc với họ. Nâng ngực là một ca phẫu thuật tế nhị và riêng tư. Bạn nên cẩn thận chọn ra một bác sĩ phù hợp với bản thân mình.